Một số chính sách phát triển thủy sản
Theo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Chính phủ ban hành, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Còn trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản, trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.
Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.
Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
Thời hạn cho vay là 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.
Nghị định có hiệu lực từ 25/8/2014.
Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ tiếp dân ít nhất 1 ngày/tháng
Theo Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập phải trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình.
Đối với trường hợp gặp vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội thì người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện tiếp công dân đột xuất.
Quy định lựa chọn nhà thầu qua mạng
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định lựa chọn nhà thầu qua mạng có hiệu lực từ ngày 15/8/2014, lựa chọn nhà thầu qua mạng được thực hiện đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và hỗn hợp có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp và chỉ định thầu.
Các văn bản điện tử giao dịch qua hệ thống mạng đầu thầu quốc gia, các thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được coi là văn bản gốc, có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản bằng giấy, làm cơ sở phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân.
Tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được bình xét trong các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương hoặc các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương phát động khi tiến hành sơ kết, tổng kết 3 năm trở lên; lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương; đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương, 5 năm tiếp theo liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 5 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở hoặc mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được 5 lần tặng giấy khen trở lên.
“Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” tặng cho công nhân, nông dân, người lao động gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất trong trong lao động, sản xuất có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp huyện; công nhân có từ 2 sáng kiến trở lên mang lại lợi ích và có đóng góp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định từ 2 năm trở lên, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động.
Nghị định cũng nêu rõ, "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" để tặng cho gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2014.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
Theo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn sau: 1-Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương; 2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; 3- Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật; 4- Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên.
Còn tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, Nghị định quy định xét tặng cho cá nhân phải có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; đồng thời, phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước...
Nghị định có hiệu lực từ ngày 7/8/2014.
Sửa đổi, bổ sung quy định về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất
Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất. Cụ thể, các Bộ, ngành chuyên quản trong lĩnh vực xã hội hóa và UBND cấp tỉnh căn cứ khả năng ngân sách và nhu cầu khuyến khích xã hội hóa thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng một phần hoặc toàn bộ công trình xã hội hóa hoặc sử dụng quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có để cho cơ sở thực hiện xã hội hóa thuê có thời hạn.
Trường hợp ngân sách nhà nước không bố trí hoặc bố trí không đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình xã hội hóa cho thuê thì các Bộ, ngành chuyên quản trong lĩnh vực xã hội hóa, UBND cấp tỉnh thỏa thuận với cơ sở thực hiện xã hội hóa về việc cơ sở thực hiện xã hội hóa ứng trước tiền thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa để có nguồn vốn thực hiện việc đầu tư xây dựng.
Số tiền thuê ứng trước được quy đổi ra số năm, số tháng đã hoàn thành nghĩa vụ về tiền thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa.
Giá cho thuê cơ sở hạ tầng và một phần hoặc toàn bộ công trình xã hội hóa được các Bộ, ngành chuyên quản trong lĩnh vực xã hội hóa và UBND cấp tỉnh quyết định sau khi thỏa thuận với cơ sở thực hiện xã hội hóa và theo nguyên tắc: Giá thuê được xác định phù hợp với mức giá thuê phổ biến trên thị trường có tính đến yếu tố khuyến khích của địa phương tại thời điểm ký hợp đồng thuê nhưng phải bảo đảm việc bảo toàn chi phí hình thành nên tài sản thuê.
Nghị định 59/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2014.
Tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước
Theo Quyết định 37/2014/QĐ-TTg ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực từ 6/8/2014, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, có 7 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên; 8 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% tổng số cổ phần; có 9 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần
Chính sách đối với người làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ
Theo Thông tư liên tịch 66/2014/TTLT-BQP-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 75/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, các đối tượng gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng thuộc biên chế của các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ khi làm nhiệm vụ trong nước và ngoài nước được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 75/2013/QĐ-TTg.
Cách tính hưởng và chi trả chế độ được quy định cụ thể như sau: Chế độ phụ cấp bằng 100% mức tiền lương cấp bậc quân hàm hoặc ngạch, bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đối với người hưởng lương hoặc mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở ngoài nước, được tính hưởng theo tháng; trường hợp không đủ tháng thì từ 15 ngày trở lên được tính hưởng bằng 1 tháng, dưới 15 ngày được tính hưởng bằng 1/2 tháng.
Chế độ phụ cấp khu vực đối với những người làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập ở ngoài nước được tính hưởng theo tháng; mức hưởng bằng 1,0 so với mức lương cơ sở đối với người hưởng lương, so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.
Chế độ phụ cấp trách nhiệm mức 0,5 so với mức lương cơ sở, được tính hưởng theo tháng; thời gian được tính hưởng kể từ ngày được biên chế thuộc đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2014. Các chế độ, chính sách và công tác bảo đảm được thực hiện kể từ ngày 1/2/2014.
Không sử dụng nội dung vượt chuẩn kiến thức trong sách tham khảo để kiểm tra học sinh
Theo Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên có hiệu lực từ ngày 20/8/2014, giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học.
Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục tại các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục xuất bản phẩm tham khảo mà cơ sở giáo dục đã lựa chọn cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, học viên.
Bên cạnh đó, giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào.
Bãi bỏ lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 74/2014/TT-BTC bãi bỏ Thông tư số154/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo. Theo đó, các khoản lệ phí bãi bỏ gồm: lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, panô và các hình thức tương tự; lệ phí thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động và các hình thức tương tự khác; lệ phí thực hiện quảng cáo trên băng rôn (bao gồm cả băng rôn dọc và băng rôn ngang).
Thông tư 74 có hiệu lực thi hành từ 1/8/2014.
Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
Đây là một trong những nội dung tại Thông tư 77/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 46/2014/NĐ-CP Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Thông tư nêu rõ các quy định trong áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Theo đó, dự án đầu tư có sử dụng đất được xét miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước là dự án được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Dự án đầu tư được miễn, giảm tiền thuê đất gắn với việc cho thuê đất mới áp dụng trong trường hợp chủ đầu tư được Nhà nước cho thuê đất lần đầu trên diện tích đất thực hiện dự án hoặc được gia hạn thuê đất khi hết thời hạn thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án đang hoạt động mà được ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước nhưng mức ưu đãi (miễn, giảm thấp hơn) quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP thì được áp dụng mức miễn, giảm theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP cho thời hạn miễn, giảm còn lại.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2014
Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, từ ngày 1/1/2014 thuế suất thuế thu nhập doanhh nghiệp (TNDN) phổ thông là 22% và từ ngày 1/1/2016 là 20%.
Đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề dưới 20 tỷ thì thuế suất thuế TNDN áp dụng là 20%. Nếu năm trước đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đủ 12 tháng, tính bình quân doanh thu một tháng không vượt 1.67 tỷ thì áp dụng thuế suất thuế TNDN 20%.
Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế TNDN với mức thuế suất 22% (từ 01/01/2016 là 20%).
Thông tư này có hiệu lực từ 02/8/2014.