CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH BẮT THỦY HẢI SẢN



 Tùy theo tập tính sinh sống của các loài thủy sản ở các vùng nước khác nhau (vùng khơi, vùng lộng, tầng đáy, tầng mặt), người ta phải sử dụng nhiều loại tàu thuyền và ngư cụ khác nhau, được phân chia ra thành những nghề đánh bắt khác nhau. 

 Trong từng thời kỳ, cơ cấu thuyền nghề có sự thay đổi, phụ thuộc các yếu tố như biến động nguồn lợi thủy sản, nhu cầu sản phẩm hoặc du nhập nghề mới. Trong thực tế, một thuyền nghề chính có thể kiêm thêm nghề phụ khác, cho nên sự phân loại cũng chỉ là tương đối. Dưới đây chỉ giới thiệu khái quát một số loại thuyền nghề đánh bắt thủy sản từ trong truyền thống cho đến hiện nay.

1. NGHỀ LƯỚI KÉO

Nghề lưới kéo (còn gọi là nghề giã cào) là một phương thức đánh bắt chủ lực của nghề cá.

Nghề lưới kéo đánh bắt thủy sản sinh sống ở tầng đáy, nền đáy biển tương đối bằng phẳng, độ sâu thường từ 20 - 100m. Nếu phân loại theo đối tượng đánh bắt chính là cá và tôm thì nghề lưới kéo gồm có hai loại: lưới kéo đánh cá và lưới kéo đánh tôm. Nghề lưới kéo đánh cá thường phải sử dụng tàu thuyền có công suất lớn kéo chiếc lưới hình dạng túi, miệng túi được mở lớn bằng giềng phao ở trên, giềng chì ở dưới và hai cánh lưới ở hai bên cào sát đáy biển để bắt cá. Nghề lưới kéo phổ biến là dùng hai tàu để kéo lưới gọi là lưới kéo đôi (giã cào đôi), nếu dùng một tàu kéo lưới thì gọi là lưới kéo đơn (giã cào đơn). Nghề lưới kéo đánh bắt được nhiều loài cá, tôm, mực sống tầng đáy và gần đáy như: cá mối, cá phèn, cá mú, cá đù, cá hố, cá trác, cá liệt, mực nang, mực ống. Sản lượng thủy sản đánh bắt bằng nghề lưới kéo ước chiếm trên 50% tổng sản lượng.

Nghề lưới kéo đánh bắt tôm (giã cào tôm) thường sử dụng tàu thuyền có công suất nhỏ hơn, từ 22CV đến 90CV, đánh bắt ven bờ, độ sâu từ 10 - 50m. Lưới giã cào tôm phổ biến là lưới giã gọng, miệng lưới giã được gắn vào một khung sắt có thể cào sát đáy biển để bắt các loài tôm sú, tôm chì, tôm sắt, mực nang.

Nghề lưới kéo hiện nay phần lớn sử dụng tàu có công suất lớn từ 90 CV trở lên tới trên 400CV, được cơ giới hóa trang bị hệ thống tời, cẩu khá hoàn chỉnh, giảm nhẹ sức lao động cho ngư dân.

2. NGHỀ LƯỚI VÂY ( LƯỚI BAO)

Nghề lưới vây (còn gọi là nghề vây rút chì), chuyên đánh bắt các loài cá tầng nổi hoặc tầng giữa như các loài cá nục, cá ngừ, cá cơm, cá ngân. Nguyên tắc đánh bắt của nghề lưới vây là khi phát hiện đàn cá, người ta dùng tàu thả lưới vây thành vòng tròn xung quanh đàn cá rồi kéo dây rút gọn giềng chì để thắt kín đáy không cho đàn cá thoát xuống dưới, sau đó thu dần vàng(giàn) lưới, dồn cá vào tùng lưới rồi dùng vợt xúc cá lên tàu. Tàu thuyền lưới vây ngày nay hầu hết đã được lắp máy công suất tới 155CV, chiều dài lưới (chu vi vòng vây đàn cá) khoảng 400m, chiều cao lưới có thể tới 80 - 100m có thể đánh bắt ở vùng nước xa bờ có hiệu quả.

Nghề lưới vây đánh bắt đàn cá ban ngày gọi là lưới vây ngày. Nghề lưới vây dùng ánh sáng đánh bắt cá ban đêm gọi là nghề lưới vây ánh sáng. Ngư trường hoạt động từ vùng nước ven bờ ra đến vùng lộng, nơi có các đàn cá thường tập trung trú ngụ quanh vùng gò rạn hoặc gốc chà rạo. Mùa vụ đánh bắt chính từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm, lưới vây cá cơm có thể đánh bắt đến tháng 9.

3. NGHỀ LƯỚI RÊ ( LƯỚI CẢN )

Nghề lưới rê (còn gọi là nghề lưới cản). Nghề lưới rê là khái niệm chung chỉ loại nghề đánh bắt dựa trên nguyên tắc dùng lưới thả trôi chắn ngang hướng di chuyển của đàn cá để cá mắc dính vào lưới (thân cá đóng vào mắt lưới). Trên nguyên tắc đánh bắt của lưới rê, có các nghề lưới cản (lưới rê nilông), lưới rê cước, rê đáy, lưới chuồn. Trong đó nghề lưới cản là nghề quan trọng nhất. Nghề lưới cản đánh bắt các loại cá di chuyển tầng nổi như cá ngừ, cá thu, cá nục lớn. Ngư trường đánh bắt khá rộng, từ vùng biển ven bờ ra đến vùng khơi. Hiện nay, tàu thuyền lưới cản được lắp máy công suất lên tới 155CV. Lưới rê các loại hiện nay được làm bằng lưới sợi tổng hợp dệt sẵn, kích thước mắt lưới cỡ 50mm đối với nghề lưới cản khơi, cỡ 30mm đối với nghề cản ven bờ (còn gọi là lưới thanh ba).

Chiều dài lưới cản khơi có thể tới hàng chục nghìn mét, chiều cao lưới từ 15 - 20m. Mùa vụ đánh bắt từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm.

4. NGHỀ LƯỚI CHUỒN

Nghề lưới chuồn là nghề chuyên đánh bắt cá chuồn ở vùng biển khơi. Nguyên tắc đánh bắt của nghề lưới chuồn cũng như của nghề lưới rê nói chung. Khi đàn cá chuồn di chuyển ngang qua vàng lưới sẽ bị mắc lưới, sau đó người ta tiến hành thu lưới, gỡ cá. Trong những năm gần đây sản phẩm cá chuồn khó tiêu thụ nên nghề lưới chuồn bị thu hẹp dần. Lưới chuồn được làm bằng lưới cước màu trắng dệt sẵn, kích thước mắt lưới khoảng 20 - 25mm, chiều cao lưới chỉ từ 1,5 - 2m, chiều dài lưới có thể đến 15 - 20km. Mùa vụ đánh bắt chính từ tháng 1 đến tháng 5.

5. NGHỀ MÀNH ĐÈN

Nghề mành đèn là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân vùng biển, thường đánh bắt cá nhỏ ven bờ như cá nục, cá trích, cá bạc má, mực ống. Nghề mành đèn hoạt động vào ban đêm, dựa trên nguyên tắc dùng ánh sáng đèn măngsông hoặc đèn nêông để thu hút đàn cá. Trước khi trời tối người ta lựa chọn những nơi gần cồn rạn, cá thường hay trú ngụ để thả neo và bắt đầu chong đèn sáng. Ban đêm, những đàn cá thường bị thu hút vào vùng ánh sáng. Khi quan sát thấy đàn cá bị ánh sáng thu hút mạnh đến độ "say đèn", người ta lựa chiều gió, hướng nước chảy thích hợp rồi thả lưới giăng sẵn; sau đó di chuyển ánh sáng để dẫn đàn cá vào trên miệng lưới rồi nhanh chóng cất lưới lên để bắt cá. Nếu thời tiết, gió, nước thuận lợi, mỗi đêm có thể đánh lưới từ 2 - 3 lần. Mùa vụ đánh bắt của nghề mành đèn thường từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.

6. NGHỀ MÀNH CHÀ

Nghề mành chà lợi dụng tập tính các loài cá nổi thường tập trung núp bóng ở các gò, rạn, vật trôi nổi trong nước, ngư dân thường thả những gốc chà rạo dọc ven biển để thu hút các loại cá nổi nhỏ như cá nục, cá chỉ vàng... Khi đàn cá di chuyển qua, gặp các gốc chà rạo chúng thường tụ tập lại để "dựa bóng" bắt mồi. Khi quan sát thấy đàn cá tụ tập nhiều, người ta lựa chiều gió, hướng nước chảy thích hợp rồi thả lưới mành để bắt cá. Những cây chà có vị trí thích hợp, cá thường tụ tập nhiều nhất, mỗi năm có thể giúp ngư dân đánh bắt hàng chục tấn cá. Nghề mành chà trước kia rất phổ biến, nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây đã bị mai một dần, hiện nay không còn do nguồn lợi thuỷ sản ven bờ giảm sút cùng với tệ nạn đánh cá bằng chất nổ đã hủy hoại hầu hết các gốc chà. Nghề mành chà truyền thống nếu được khôi phục là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ rất hiệu quả.

7. NGHỀ CÂU KHƠI

 

Nghề câu khơi thường đánh bắt các loại cá nhám, cá mập để lấy vây cá (vi cá) làm hàng thủy sản xuất khẩu. Trước kia nghề này khá phổ biến đối với vùng biển miền Trung, nhưng hiện nay đã giảm dần, một số tàu thuyền gần đây đã chuyển sang nghề câu cá ngừ đại dương. Tàu thuyền nghề câu khơi có công suất tới 155CV, có kết cấu vững chãi đủ sức chịu đựng sóng gió biển khơi dài ngày, mỗi chuyến biển có khi kéo dài tới 2 - 3 tuần. Cấu tạo vàng câu gồm có dây câu chính, chiều dài có khi hàng chục cây số, dọc trên chiều dài là các thẻo câu có gắn lưỡi câu, chiều dài thẻo câu có thể thay đổi tùy theo độ sâu tầng nước cá di chuyển. Mồi câu là các loại cá nhỏ như cá chuồn, cá nục được móc vào lưỡi câu. Khi trời bắt đầu tối người ta tiến hành móc mồi thả câu, quá nửa đêm về sáng người ta bắt đầu thu câu, gỡ cá.

Ngư trường hoạt động của nghề câu khơi phần lớn là vùng biển khơi, có khi cách xa bờ hàng trăm hải lý. Mùa vụ hoạt động chính từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.

8. NGHỀ CÂU MỰC KHƠI

Nghề câu mực khơi (còn gọi là nghề câu mực xà) là nghề mới xuất hiện từ sau năm 1990 trở lại đây nhưng phát triển khá nhanh. Ngư dân làm nghề này chuyên đánh bắt các loại mực ống kích thước lớn, sinh sống ở vùng biển khơi.

Mỗi chuyến đi biển, tàu câu mực thường chở theo 15 - 20 chiếc thuyền thúng ra ngư trường khơi cách bờ từ hàng chục đến hàng trăm hải lý tùy theo mùa vụ. Câu mực được tiến hành vào ban đêm, đến ngư trường người ta thả thúng xuống biển, mỗi người một thúng, một đèn thả trôi quanh thuyền để câu. Nghề câu mực xà thường gặp nguy hiểm đến tính mạng khi có sóng to, gió lớn bất ngờ.

Nguyên tắc đánh bắt của nghề câu mực khơi là dùng lưỡi câu chùm có móc mồi câu (mồi bằng cá chuồn) thả xuống nước biển sâu có thể tới 30 - 70m. Khi con mực đã bám vào mồi thì giật nhẹ dây câu để lưỡi câu móc vào thân mực rồi nhanh chóng kéo con mực lên thuyền.

9. NGHỀ PHA XÚC

 Nghề pha xúc chủ yếu đánh bắt những đàn cá cơm xuất hiện di chuyển theo dòng hải lưu vào sát ven bờ. Nguyên lý đánh bắt của nghề pha xúc là sử dụng ánh sáng cực mạnh của chùm đèn pha có công suất từ 5.000W - 10.000W để thu hút đàn cá nổi lên gần mặt nước, rồi ngay lập tức dùng lưới để xúc cá lên thuyền. Mùa vụ khai thác chính cho sản lượng cao nhất là từ tháng 2 đến tháng 4.

( Ghi Chú :  Miền Ngoài gọi là Vàng Lưới, Miền Trong gọi là Giàn Lưới )

Huỳnh Duy ( Sưu Tầm và Biên Soạn lại )


Bài viết khác


Tin Nhiều Người Đọc
Website Thông Tin Thủy Hải Sản