KỸ THUẬT NUÔI CÁ CHIM BẰNG LỒNG TRÊN BIỂN



 Trên thế giới nghề nuôi cá biển đã được phát triển từ 30 năm nay và ngày càng trở thành một ngành sản xuất kinh doanh quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của nhiều quốc gia có biển.

Cá Chim Vây Vàng

 

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi cá nói riêng. Với đặc điểm bờ biển dài 3.260 km, với nhiều eo, vịnh kín gió, nhiều đầm phá rộng lớn là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi biển, trong đó nuôi cá biển ngày càng được chú trọng. Một số loài cá có giá trị kinh tế đã và đang được nuôi hiện nay như: cá mú (Epinephelus spp), cá giò (Rachycentron canadum), cá chẽm (Lates calcariper), cá cam (Seriola spp), cá hồng (Lutijanus erythropterus), cá chim vây vàng…

          Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepede, 1801) là loài phân bố tương đối rộng ở vùng biển nhiệt đới, Tây Thái Bình Dương, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, miền Nam Trung Quốc. Vùng biển nước ta cá phân bố chủ yếu ở vịnh Bắc Bộ, miền Trung và Nam Bộ. Cá có kích cỡ thương mại 0,8 -1 kg/con, giá trị kinh tế cao với giá bán 120.000 – 150.000đ/kg, thị trường xuất khẩu ở nhiều nước như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Singapore. Đây là một đối tượng nuôi mới, đang được nghiên cứu nhiều và bắt đầu được nuôi ở Việt Nam. Xin hướng dẫn về cách thức nuôi cá chim vây vàng như sau:

          1. Chọn vị trí lồng nuôi

           Trong nuôi cá lồng, do chất lượng nước không thể kiểm soát được như trong các thuỷ vực ao, đầm mà phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì thế chọn lựa vị trí thích hợp sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của nghề nuôi.

          Để lựa chọn vị trí đặt lồng nuôi cần căn cứ vào một số tiêu chuẩn như: nhiệt độ, độ mặn, mức độ nhiễm bẩn, vật chất lơ lửng, nở hoa của tảo, sinh vật gây bệnh, dòng chảy, khả năng trao đổi nước…, xem xét khả năng đặt lồng được hay không liên quan đến những yếu tố như: độ sâu, chất đáy, giá thể…, những vấn đề liên quan đến khả năng thành lập trại nuôi như phương tiện, an ninh kinh tế - xã hội, luật lệ…

          Một vị trí tốt cho việc đặt lồng nuôi cá biển là cần thiết có: độ sâu phải đảm bảo đáy lồng cách đáy biển ít nhất 2 – 3m, ít sóng to gió lớn (tránh nơi sóng >2m) và tốc độ dòng chảy vừa phải (từ 0,2 – 0,6m/giây) tránh nơi có dòng chảy quá yếu hay nước đứng (tốc độ dòng chảy < 0,2m/giây)

          Các thông số môi trường nơi đặt lồng như hàm lượng ôxy hoà tan từ 4 – 6 mg/l, nhiệt độ 25 – 30oC, độ mặn 20 – 33o/oo, cần tránh xa những nơi có ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nơi có thể xảy ra thuỷ triều đỏ.

          2. Thiết kế và xây dựng lồng

          Khung bè thường làm bằng gỗ, có kích thước 6 x 12cm, phao nổi làm bằng phi nhựa (loại 200l) để nâng khung gỗ của lồng, số lượng phuy từ 6 – 8 phuy/ô lồng, đối với nhà canh gác và kho chứa đồ thì số lượng phuy cần nhiều hơn tuỳ thuộc vào tổng khối lượng nguyên vật liệu chứa trên đó. Bè được cố định bằng neo ở 4 góc để tránh bị nước cuốn trôi. Số lượng neo và độ dài của dây neo còn tuỳ thuộc vào quy mô của bè.

            Lưới lồng nuôi cá tốt nhất là làm bằng sợi PE không rút, có thể sử dụng loại lưới đen của Nhật hoặc Trung Quốc sản xuất tuỳ theo khả năng đầu tư. Kích thước mắt lưới có thể thay đổi tuỳ vào kích cỡ cá nuôi. Ngoài ra ở các vùng cạn ven bờ có thể phát triển lồng cố định với thể tích lồng và kích thước mắt lưới tương đương để nuôi.

           Phía trên các lồng nuôi cần được che lưới xanh và phủ lưới lan đen nhằm không cho cá nhảy ra ngoài và hạn chế cường độ ánh sáng quá mạnh vào buổi trưa có thể gây sốc cho cá.

           3. Nguồn cá giống và mật độ thả

          Cá giống cỡ 30 – 50g/con có thể ương trước đó trong ao đất hoặc bằng lồng trên biển chuyển ra nuôi để cá sử dụng tốt thức ăn công nghiệp. Thường thì đàn cá giống ương tại lồng nuôi hoặc nuôi lồng ở nơi khác chuyển về nuôi thương phẩm sẽ thích ứng nhanh và ít bị nhiễm bệnh trong thời gian đầu. Đối với cá giống ương trong ao đất chuyển ra nuôi lồng thường ăn mồi rất kém, dễ nhiễm bệnh và bị hao hụt nhiều do khả năng thích nghi kém với môi trường nuôi khi mới chuyển ra. Trường hợp sử dụng đàn cá giống mà trước đó ương nuôi bằng thức ăn là cá tạp thì trước khi chuyển sang nuôi bằng thức ăn công nghiệp cần có thời gian tập chuyển đổi cho cá.

          Cá giống phân cỡ đều và thuần hoá độ mặn cho phù hợp với vùng đặt lồng nuôi, đồng thời cá nên được vận chuyển và thả nuôi vào thời điểm trời mát để tránh sốc cho cá. Đối với nguồn cá giống ương trong ao chuyển ra nên kéo lưới lồng lên ở độ sâu 1,5 – 2m nước thay vì để 3 – 4m, như vậy sẽ hạn chế sốc cho cá vì sự thay đổi áp lực nước và cá đỡ sợ khi ăn mồi.

          Với cỡ giống thả 30 – 50g/con. Trong thời gian đầu thả nuôi với mật độ từ 40 – 50 con/m3, sau 1 – 2 tháng nuôi cá đạt khối lượng 100 – 150g, lúc này giảm mật độ xuống còn 20 – 25 con/m3. Trong quá trình nuôi tuỳ theo mức độ phân đàn của cá để phân cỡ cá kết hợp san thưa mật độ cho đến khi thu hoạch còn 10 – 15 con/m3.

           4. Thức ăn và cách cho ăn

           Hiện nay thị trường có một số loại thức ăn công nghiệp để nuôi cá nước lợ, mặn như thức ăn nuôi cá chẽm, cá chim và cá mú của Công ty UP.

           Khi cho ăn rải thức ăn từ từ, khi cá có dấu hiệu giảm ăn thì dừng để tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm và làm mồi cho địch hại. Cho ăn tập trung ở giữa lồng hoặc cùng một lúc ở nhiều điểm khác nhau để đảm bảo tất cả cá trong lồng đều ăn được mồi nhằm hạn chế sự phân đàn. Trong qúa trình cho ăn nên quan sát hoạt động ăn mồi của cá nhằm mục đích ngừng cho ăn khi cá có dấu hiệu giảm ăn, phát hiện bệnh hoặc tình trạng sức khoẻ của cá để có biện pháp xử lý kịp thời và có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho lần sau (lượng thức ăn cá sử dụng còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường: nhiệt độ, NH3…)

           Quản lý lồng nuôi

           Người quản lý lồng nuôi phải có hiểu biết về đặc điểm sinh học của đối tượng nuôi, cũng như am hiểu khí hậu và thời tiết vùng nuôi, công nhân chăm sóc lồng phải có kinh nghiệm về sóng gió, điều kiện sinh hoạt ở biển. Lồng nuôi nên có một cuốn sổ để ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động nuôi, và làm cơ sở để tính toán đầu tư, lãi, lỗ. Các thông tin cần ghi chép như: chi phí vận hành (mua giống, thức ăn, nguyên vật liệu khác…), kết quả nuôi (lượng thức ăn sử dụng, tăng trưởng của cá, tình trạng cá, số cá chết…), các thông số môi trường (độ mặn, pH, oxy, NH3…) tại khu vực đặt lồng nuôi, tình trạng lồng bè còn tốt hay hỏng hóc để có kế hoạch thay lưới, tu sửa bè nuôi.

            Định kỳ 1 – 2 tháng bắt ngẫu nhiên một số con cân kiểm tra tăng trưởng của cá nhằm biết tốc độ sinh trưởng, sản lượng cá của lồng nuôi để có kế hoạch thu, đồng thời làm cơ sở để tính toán điều chỉnh tỷ lệ cho ăn và lên kế hoạch mua thức ăn.

           Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra lưới lồng, bè và neo để phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa, đặc biệt là trước, sau đợt gió bão. Do cá chim là loài có xương nắp mang rất sắc nên lưới thường hay bị rách, do vậy hàng ngày phải lặn để kiểm tra lưới lồng, đặc biệt là thời điểm trước khi kéo lưới lên tránh thất thoát.

          Định kỳ 1 – 2 tháng phân cỡ để giảm sự cạnh tranh thức ăn giữa cá lớn và cá bé ảnh hưởng đến sinh trưởng và nâng cao tỷ lệ sống. Kết hợp phân cỡ với thay lưới lồng nhằm tăng khả năng lưu thông của nước giảm bệnh tật cho cá.

           Lưới lồng thường bị hầu, vẹm, rong … bám gây cản trở dòng chảy, có thể gây thiếu ô xy cho cá làm nặng lồng do vậy phải định kỳ vệ sinh loại bỏ sinh vật bám thông qua việc thay lưới. Tuỳ theo mức độ bám của sinh vật bám vào lồng và cỡ của cá để có kế hoạch thay lưới lồng, khi thay tránh gây xây xát và stress cho cá. Cho đến nay việc vệ sinh lưới theo phương pháp phơi nắng kết hợp cơ học (xịt rửa bằng vòi cao áp hoặc đạp bằng cây) vẫn là phương pháp hiệu quả và rẻ tiền nhất ở những vùng có nhiều sinh vật bám và cần sử dụng lồng lưới luân phiên nhau.

           Trong quá trình nuôi cá thường hay bị bệnh ký sinh trùng bám ngoài da, đặc biệt là rận cá, điều này dễ làm cá bị tổn thương bề mặt cơ thể tạo điều kiện cho các tác nhân cơ hội như vi khuẩn, nấm gây bệnh lở loét cho cá. Do vậy, để phòng bệnh này cần định kỳ kết hợp với khi thay lưới lồng tắm nước ngọt cho cá để loại bỏ ký dinh trùng bám trên da cá. Trường hợp những con cá đã bị nhiễm bệnh cần phải tách riêng nuôi cách ly để trị bệnh.

         5. Phòng và trị bệnh thường gặp

            Trong tuần nuôi đầu cá thường nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh lở loét và mòn cụt vây đuôi, do vậy phải theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời. Khi phát hiện một số cá thể trong đàn bị nhiễm bệnh nên bắt cá ra tắm trong nước ngọt có pha oxytetraciline 100ppm trong khoảng 1 phút để phòng và trị bệnh cho cá tránh lây lan cho những cá thể khoẻ trong đàn.

          Định kỳ 7 – 15 ngày kết hợp thay lưới lồng với tắm nước ngọt loại bỏ ký sinh trùng phòng bệnh cho cá.

         Thời điểm tháng 4 – 6 hàng năm thường hay xuất hiện sứa, nếu xuất hiện với số lượng nhiều trong lồng nuôi cá, đặc biệt là khi nước đứng cũng có thể gây hại nghiêm trọng cho cá, khi sứa xuất hiện nhiều không nên tác động mạnh vào nước làm sứa tiết dịch gây tổn thương cho cá mà cần nhẹ nhàng hạ sâu mực nước của lồng để tránh không cho cá tiếp xúc với sứa ở tầng mặt.

         Thu hoạch

 

         Sau thời gian nuôi 10 – 12 tháng cá đạt cỡ thương phẩm 0,7 – 1,2kg tiền hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 2 ngày ngừng không cho cá ăn. Thông thường tỷ lệ sống giai đoạn nuôi thương phẩm đạt từ 50 – 85%./.

(Nguồn: Internet )




Bài viết khác


Tin Nhiều Người Đọc
Website Thông Tin Thủy Hải Sản