TẢN MẠN VỀ " ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ "



 Đôi điều tản mạn, suy tư từ tác phẩm 

“Ông già và biển cả của Hêminhuê

 

Từ hồi cấp ba tôi đã rất thích tác phẩm “ông già và biển cả”. Cách viết kiệm lời của Hêminhuê làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều, càng nghĩ càng ngẫm ra bao điều thú vị. Đêm nay, trong lúc mê man nghĩ về đời mình, nghĩ về bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, tôi tự nhiên nghĩ đến “ông già và biển cả” của Hêminhuê.

Hêminhuê là một nhà văn lớn của Mỹ, một con người nổi tiếng với lối sống phóng khoáng, ưa mạo hiểm, thích tìm hiểu và khám phá chất hoang dại của thiên nhiên, tạo vật. Với một bản tính như vậy, Hêminhuê khi cầm bút cũng mong muốn đem đến cho người đọc một “áng văn chân thực và giản dị về đời sống con người”. Sáng tác của Hêminhuê tập trung làm nổi bật nguyên lý “tảng băng trôi” và, tiểu thuyết “Ông già và biển cả” chính là tác phẩm thể hiện thành công nguyên lý ấy.

Nguyên lý tảng băng trôi là một phong cách viết đọc đáo chỉ có riêng ở Hêminhuê, lối viết này khá gần gũi với phong cách “nói ít gợi nhiều”, “vẽ mây nảy trăng” trong văn học phương Đông. Hêminhuê muốn viết một tác phẩm mà ở đó ý nghĩa thực sự của nó chỉ có một phần nổi lên bề mặt câu chữ, còn lại, bảy phần chìm khuất, yêu cầu người đọc tự suy ngầm, tìm ra những phần chìm ấy. Người đọc nếu càng đi sâu khám phá thì sẽ nhận ra rằng: tảng băng ngầm thật lớn biết bao, chính nó mới là kích thước đích thực của “tảng băng trôi”.

Để thực hiện tốt nguyên lý tảng băng trôi, Hêminhuê đã dùng hàng loạt các thủ pháp nghệ thuật khác nhau nhằm tối giản phần lời, mở rộng ý nghĩa đa thanh, đa chiều của tác phẩm. Chẳng hạn như việc sử dụng nhiều lời độc thoại nội tâm, qua đó giúp nhân vật tự bộc lộ bản thân. Nguyên lý “tảng băng trôi” cũng tuyệt đối kiêng kị việc viết văn theo lối “độc tấu” mà ở đó tác giả nắm quyền dẫn dắt, xen lời trực tiếp vào tác phẩm. Hêminhuê để mặc người đọc cùng đồng hành với những suy nghĩ, trải nghiệm của nhân vật mà không hề lộ mặt trong tác phẩm. Cùng với đó là việc tối giản cốt truyện….cũng đem lại những hiệu quả đáng kinh ngac. Tuy nhiên, theo tôi, điều tạo nên thành công cho tác phẩm viết theo nguyên lý “tảng băng trôi” chính là việc xây dựng được hệ thống hình tượng nhân vật đa nghĩa. Chính những hình tượng ấy mới là cái cái ám ảnh, là cái khiến độc giả suy nghĩ nhiều hơn cả và cũng chính nó là chiếc chìa khóa giúp người đọc lần mở cánh cửa đi tìm tảng băng ngầm đích thực.

Trong tác phẩm Hêminhuê đã xây dựng được một hệ thống hình tượng nhân vật đa nghĩa.

Trước hết, nó nằm trong chính nhan đề tác phẩm. 

“Ông già và biển cả” là một nhan đề ngắn gọn nhưng bao quát hết toàn bộ nội dung tác phẩm. Nhan đề ấy ngụ ý nhắc đến chuyến đi biển dài ba ngày hai đêm của ông lão Xantiagô. Đây là chuyến đi biển cuối cùng của một lão già với mong ước mong manh rằng: lần đi biển này, ông lão sẽ bắt đựơc một con cá to. Niềm mong ước mong manh ấy đã vô tình gặp được vận may và bất ngờ trở thành hiện thực. Một con cá kiếm đã cắn câu. Ông lão vội vàng thu dây, kéo nó vào thuyền. Nhưng, đó mới chỉ là khỏi đầu. Hành trình chinh phục cá kiếm to nhất đời, đẹp nhất đời là một hành trình vô cùng gian khổ. Đến cuối cùng, lão Xantiagô chỉ kéo được bộ xương cá về sau khi đã mệt mỏi đến kiệt sức để thu phục cá kiếm và chiến đấu chống đàn cá mập. “Ông già và biển cả” là một nhan đề có sức khơi gợi sâu xa. Trong cái nhan đề ấy dường như muốn nói đến ước mơ, khát vọng của con người trong cuộc đời rộng lớn. Trước biển đời, con ngừơi ta như một lữ khách cô đơn, già nua, phải vắt kiệt sức để chống chọi với bão tố cuộc đời, để tự đứng lên, khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Con người đối lập với biền khơi bởi một bên quá ư bé nhỏ còn một bên lại rộng lớn khôn cùng. Song, Hêminhuê lại nói “Ông già VÀ biển cả”, tức là muốn đem con người đặt ngang hàng với thiên nhiên, tạo vật. Khẳng định tư thế chủ động của con người trước thiên nhiên và trước cuộc đời đầy khó khăn, phức tạp, biến hóa khôn lường.
??????????????????????????????????????????????????????????????????

Ngoài nhan đề, tác phẩm con có các cặp nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng. Trước hết đó là cặp nhân vật Xantiagô – cá kiếm.

Cá kiếm biểu tượng cho ước mơ, khát vọng của con người. Nó rất lớn, rất đẹp, lung linh sắc màu rực rỡ, cuốn hút con người ta, khiến họ phải đam mê, phải dùng tất cả sức lực để mà đeo đuổi nó với một mục đích duy nhất là chiếm đọat được nó. Hành trình chinh phục cá kiếm gian khổ, mệt nhọc cũng chính là hành trình đi tìm những ước mơ, khát vọng mà bất cứ ai cũng đã từng tham gia, chí ít là một lần trong đời. Con đường đi đến ước mơ, hoài bão không bao giờ là con đường bằng phẳng, đó là con đường phủ đầy những gian truân, thử thách và thậm chí còn có cả cạm bẫy, hiểm nguy.

Cá kiếm khi còn sống là một chú cá rất đẹp. Nó xuất hiện qua những vòng lượn. Nó làm cho lão già Xantiagô phải mệt lử, chân tay đau nhức, đầu óc choáng váng. Vẻ đẹp lấp lánh, vây đen có pha sọc màu tím của nó khiến lão Xantiagô phải thán phục. Lão đã từng thốt lên “ Tao chưa thấy ai hung dũng, cao thượng hơn mày”. Lão phải giết con cá nhưng lại ta thiết cầu khẩn “Đến đây! Đến đây để giết ta này, ta không quan tâm việc ai giết ai nữa.”. Và, cho đến khi lão đâm trúng tim cá, con cá phóng vút lên khỏi mặt nước, phô diễn toàn bộ sắc đẹp lần cuối rồi rơi xuống mặt nước, nằm dài tĩnh lặng trên một vũng máu loang lổ. Giây phút ấy khiến lão già không khỏi nuối tiếc. Cá kiếm đã thành hiện thực trong tầm tay lão, là kết quả của một cuộc chiến vật lộn cực kì vất vả của lão. Nhưng, dường như cái mà Xantiagô có được chỉ là một xác cá, chỉ là một các gì đó tầm thường. Có khác chăng, đó chỉ là một con cá to. Nó đã không còn đẹp đẽ với bộ vây đen có pha sọc màu tím mà nằm phơi bụng tắng bạc giữa biển khơi bao la với một kích thước cụ thể chứ không còn hùng vĩ khó đoán định như ở những vòng lựơn đầu tiên.

Phải chăng ước mơ cũng vậy. Khi còn ở nơi xa thì rực sáng, lấp lánh. Đến khi chạm tay vào rồi mới biết nó thật gần gũi, giản đơn. Có chăng chỉ là ta đã đi quá xa để tìm đến những giấc mộng xa vời mà không suy xét, lường trước giá trị đích thực của những ước vọng có vẻ cao xa, huyền bí ấy. Hoặc, cũng có thể, cuộc đời là những giấc mơ dài, con người ta không bao giờ biết thỏa mãn với những gì mình đã có. Mãi mãi đi tỉm những bến bờ kì lạ hơn, lấp lánh hơn? 

  

 

Giây phút cá kiếm phóng vút lên mặt nước, phô diễn toàn bộ vẻ đẹp lần cuối cùng trong đời.

Giây phút cá kiếm phóng vút lên mặt nước, phô diễn toàn bộ vẻ đẹp lần cuối cùng trong đời.

Lão Xantiagô là người đánh cá, là người tiêu biểu cho con người lao động – những con người luôn mê say, tìm tòi, theo đuổi hoài bão. Họ là những con người có bản lĩnh, gan dạ, kiên trì, mưu mẹo, khôn ngoan, dám đương đầu với khó khăn, thử thách để đến với ước mơ cao đẹp. Hành trình của lão Xantiagô là một hành trình đơn độc với mây trời, biển rộng. Con người đối mặt với bão tố của cuộc đời rộng lớn, vô tình. Họ phải tự mình đấu tranh, tự mình vươn lên đẻ khẳng định chỗ đứng trong xã hội. Chuyến đi biển ba ngày hai đêm vào lúc cuối đời không còn là một chuyến đi biển thông thường mà nó đã trở thành một chuyến đi dài như cả đời người. Thông qua nhân vật Xantiagô, tác giả muốn gửi gắm những chiêm nghiệm của người nghệ sỹ. Cuộc đời người nghệ sỹ là một cuộc đời sóng gió khó lường, đối mặt với núi cao, biển rộng. Họ đi trong không gian bao la, giữa cái vô tình, hờ hững, khơi dậy những tình cảm mới, triêt lý mới, cách sống, cách nghĩ mới để thay đổi cả một xã hội lạnh lùng, vô cảm.

Không dừng lại ở cặp nhân vật Xantiagô – cá kiếm đề nói đến việc chinh phục hoài bão, lý tưởng và chiến thắng thiên nhiên. Hệ thống nhân vật biểu tượng đa nghĩa luôn được Hêminhuê chú ý và cố gắng mở rộng. Xantiagô – Manôlin cũng là là một cặp nhân vật mang nhiều ý nghĩa khái quát. 

Dù chỉ xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm, những chính điều đó đã tạo nên kết cuối đầu cuối tương ứng, khép kín mạch truyện. Ngụ ý của Hêminhuê ở đây chính là muốn nói đến  kế thừa, phát huy? Thế hệ này mất đi lại có thế hệ sau tiếp bước. Con người ta khi qua đi cái thời trẻ trung, qua cái đỉnh cao của tài năng, của sinh lực cường tráng thì chỉ còn lại những thành tích hào hùng trong quá vãng. Những gì họ không thể làm được chỉ còn trông mong vào thế hệ trẻ tiếp bước. Những người trẻ tuổi sẽ đi tiếp con đường mà cha ông họ đã qua và sẽ còn làm được nhiều hơn những gì thế hệ đi trước đã làm. Khi mặt trời đã khuất tàn trong bóng hoàng hôn thì buộc phải có mặt trời khác lên ngôi, tỏa sáng. “Tre già, măng mọc“ chính là một quy luật khách quan của tạo hóa.

 

 

Con người ta sinh ra đã phải đối mặt với sóng gió cuộc đời, thế hệ này qua đi, thế hệ khác lại tiếp nối, nhưng quy luật ấy thì không bao giờ thay đổi

Con người ta sinh ra đã phải đối mặt với sóng gió cuộc đời, thế hệ này qua đi, thế hệ khác lại tiếp nối, nhưng quy luật ấy thì không bao giờ thay đổi

Cùng với hai cặp nhân vật nêu trên, hình ảnh bộ xương cá cuối tiểu thuyết là một hình ảnh để lại nhiều dư ba hơn cả. Nó làm con người ta đặt ra một dấu hỏi chấm lớn rằng Xantiagô đã thành công hay thất bại? Cũng như câu hỏi rằng trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa biển đời bao la, cái cuối cũng con người ta thu được là gì? Có khi nào đó chỉ còn là một bộ xương cá khổng lồ nhưng vô dụng, tàn tạ và xác xơ?

Đứng ở góc độ của một kẻ đi câu cá kiếm tiền thì…chao ôi! Xantiagô đã thất bại thảm hại. Bởi bộ xương cá ấy chẳng thể đem lại cho lão một đồng xu nhỏ nhoi . Nó đã trở thành một loại rác thải chỉ còn chờ thủy triều đến cuốn đi. Song, nếu nhìn ở góc độ của kẻ đi câu nhằm thỏa mãn những đam mê, tìm lại qua khứ hào hùng thì Xantiagô là một người đại thành công! Hơn ai hết, lão đã chạm đến ước mơ mà có biết bao kẻ trong đời hẳng bao giờ làm nổi. Cá kiếm đã không còn nguyên vẹn nhưng bộ xương ấy chính là chứng tích, chứng tỏ lão đã chiến thắng cá kiếm và chiến thắng đàn cá mập như thế nào. Giả dụ, nếu Xantiagô mang một chú cà kiếm nguyên vẹn vào bờ thì có ai tin nổi một lão già như Xantiagô, sau bao ngày kiệt sức thu phục cá kiếm còn có thể chiến đấu ngoan cường với đàn cá mập hung ác?

Trong khi Manôlin nhìn bộ xương ấy bằng niềm cảm phục pha chút xót xa, tiếc nuối cho Xatiagô, dân chài nhìn nó bằng con mắt than phục, du khcáh xem nó là một nỗi ngạc nhiên lớn trong đời bởi chưa bao giờ họ thấy một bộ xương “ cá mập” nào to đến như vậy thì Xantiagô lại xem đó là một nỗi thất nỗi bại đau xót mà ông không hề muốn nhắc đến, rằng ông đã đi quá xa để rồi chẳng được gì. 

Phải chăng đời người cũng là một sự luẩn quẩn trong cái vòng được – mất? Kẻ đã có thì chán chường, người chưa có thì khát khao, thèm muốn. Ôi! Cái định lý “trong chán, ngoài thèm” hình như đã là một điều cố hữu trong đời. Hoặc cũng có thể chính những kẻ sở hữu thành quả ấy cũng không biết mình đang có trong tay những gì? Đến cuối cùng vẫn mơ hồ vế ý nghiã của những thành quả mà mình vất vả giành được! Không phải chúng ta “ đã đi quá xa” đẻ rồi không thu được gì như Xatiagô đã nghĩ mà chúng ta đã nghĩ đi quá xa, đã mong mỏi những điều xa vời để rồi quên đi giá trị của những cái đã có. Trong hành trình đeo đuổi ước mơ, chỉ cần ta nỗ lực hết sức, dù cái mà ta cần thì không có nhưng đời sẽ trả cho ta nhiều thứ còn quý giá hơn. Đó chính là sự thừa nhận của xã hội đối với những nỗ lực mà ta đã bỏ ra.

Tôi đang nghĩ về cuộc đời và những ước mơ của tôi như vậy đó. Hêminhuê viết thật hay!. Ừ. Có những điều ước xa vời thì chỉ hào nhoáng bề ngoài, còn có một vài đièu ước tưởng như rất dễ dàng thì không sao thực hiện nổi. Trong cái ranh giới mong manh “ được – mất”, trước sự mơ hồ của khát vọng… tôi thấy bơ vơ quá. Hôm nay tôi thực sự suy nghĩ rất nhiều. Suy nghĩ, chiêm nghiệm ấy tôi đã giửi cả vào bài viết, tôi đã thử dùng bao suy tư để hiểu hơn những gì Hêminhuê muốn nói và đồng sáng tạo cùng ông.

( Trương Thu Hường )

 

 




Bài viết khác

Tin Nhiều Người Đọc
Website Thông Tin Thủy Hải Sản